Đề cập đến câu chuyện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Ngân nhận định: Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2, cần tổng hòa của các giải pháp từ cả nền kinh tế chứ không riêng hệ thống ngân hàng.
Cụ thể hơn, ông Ngân lưu ý và đề xuất, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch. Khi môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi hơn, doanh nghiệp mới tăng cường đầu tư vốn. Cùng đó, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế phải diễn ra đồng bộ. không chỉ đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH) mà cả lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng cần diễn ra mạnh mẽ hơn.
Về điều hành chính sách tiền tệ, ông Ngân cho rằng cần tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ ổn định lãi suất, tỷ giá, gia tăng lòng tin của người dân vào đồng Việt Nam. Đồng thời phải tìm ra giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề tài sản của các ngân hàng.
“Thủ tục pháp lý liên quan tới giải quyết tài sản thế chấp đến thời điểm này vẫn còn ách tắc, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành có liên quan để xử lý dứt điểm vấn đề nan giải này. Nhất là khi thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi sẽ giúp các ngân hàng xử lý một khối lượng tài sản xấu rất lớn”, ông Ngân nói.
“Đối với vấn đề tái cơ cấu đầu tư công, phải sớm triển khai cụ thể hóa Luật Đầu tư công qua việc ban hành các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể, đảm bảo đúng người, đúng việc, sao cho tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Từ đây, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến những dự án đầu tư công không hiệu quả, chậm tiến độ gây lãng phí; đồng thời xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan liên quan trong quá trình tái cơ cấu đầu tư công”, ông Ngân nhấn mạnh.
Để hoạt động tái cơ cấu DNNN hiệu quả, không nên chạy theo thành tích về con số DN được cổ phần hóa mà phải quan tâm đến chất lượng, mà cụ thể là về hiệu quả kinh doanh thông qua việc sử dụng vốn cổ phần hóa hiệu quả. Vấn đề quan trọng nữa là thay đổi mô hình quản trị, giám sát và đảm bảo tính minh bạch, công khai tại DNNN, để người dân giám sát được hoạt động kinh doanh của Nhà nước. Có như vậy mới giải quyết bài toán tái cơ cấu DNNN.
Và sau cùng, ông Ngân khẳng định: về phía NHNN dù đạt được nhiều thành công, nhưng tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng không phải sẽ chấm dứt khi thời hạn thực hiện Đề án 254 kết thúc. Mà đây là hoạt động thường xuyên, liên tục để đảm bảo duy trì sự ổn định, lành mạnh hóa năng lực tài chính của các ngân hàng, tạo lập được một hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.
Tính từ 1/1 đến 18/10/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD được 13.065 khoản nợ tương ứng với 91.963 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 82.681 tỷ đồng của 39 TCTD. Lũy kế từ 2013 đến 30/9/2015, VAMC đã phát hành 191.333 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu với giá trị dư nợ gốc 225.518 tỷ đồng.
Trả lời Tiền Phong, ông Vũ Quốc Hùng, Chủ tịch VMAC thừa nhận, chiếm chủ yếu trong số nợ xấu VAMC đã “gom” là các tài sản bất động sản.
“Chỉ cần có cơ chế và thị trường phục hồi, chúng tôi đảm bảo sẽ xử lý rất nhiều khoản nợ ngon lành, thậm chí VAMC sẽ chỉ là nơi môi giới thu phí còn sẵn sàng trả phần lời đó lại cho tổ chức tín dụng”, ông Hùng khẳng định
Các tin liên quan
- Chuyên gia dự đoán thời điểm thị trường bất động sản hồi phục Ngày đăng: 20/12/22
- TP.HCM kiến nghị nhiều chính sách về đất đai Ngày đăng: 20/10/22
- Đất ở TP HCM được bồi thường tối đa gấp 15 lần giá nhà nước ( HOT ) Ngày đăng: 19/08/22
- Những chính sách có hiệu lực trong tháng 8/2022 người sắp mua nhà, xây nhà cần biết Ngày đăng: 08/08/22