Tại hội thảo bất động sản Theo dấu dòng tiền vừa diễn ra, Giám đốc nghiên cứu phân tích Dragon Capital, Lê Anh Tuấn nhận định thị trường địa ốc Việt Nam đã có bước chạy đà mạnh mẽ trong giai đoạn từ cuối năm 2013 đến quý IV/2015. Chuyên gia này chia sẻ 5 cơ hội giúp thị trường dịch chuyển từ giai đoạn hậu khủng hoảng sang hồi phục ấn tượng.
Thứ nhất: Tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh. Hiện Việt Nam có 12 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, đến năm 2020 ước tính sẽ có hơn 30 triệu người thuộc tầng lớp này. Đây chính là nguồn cầu lớn cho thị trường bất động sản trong tương lai.
Thứ hai: Đô thị hóa nhanh. Hiện tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và trong vòng 3 năm tới có thể sẽ vươn lên vị trí cao hơn. Lượng cư dân dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị sống theo làn sóng đô thị hóa này sẽ làm gia tăng nhu cầu nhà ở tại những đô thị lớn.
Thứ ba: Đầu tư lớn cho hạ tầng. Trong các năm 2014-2015, đầu tư xây dựng hạ tầng của Việt Nam gần bằng 8 năm trước cộng lại, cao hơn cả một số nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Việc bùng nổ đầu tư hạ tầng chắc chắn sẽ tạo động lực lớn cho thị trường bất động sản phát triển.
Thứ tư: Tín dụng phục hồi tốt. Tăng trưởng tín dụng bất động sản được kiểm soát trong khi lãi suất ổn định ở mức thấp. Hiện nay nhiều chính sách cho vay linh hoạt với nhiều khung lãi suất đa dạng, thời gian vay dài hơn. Chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ kích cầu cho thị trường địa ốc.
Dù vẫn còn nhiều thách thức phía trước, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều cơ hội tăng tốc trong thời gian tới. Ảnh: Lucas Nguyễn |
Thứ năm: Dòng vốn bất động sản dồi dào. Lượng tiền mặt của các công ty bất động sản niêm yết đua nhau tăng lên, các doanh nghiệp này cũng đồng loạt tăng vốn chủ sở hữu. Lượng hàng hóa trên thị trường tăng đột biến trong 1-2 năm qua (giá trị tài sản doanh nghiệp lớn dần), hoạt động săn quỹ đất, thu hút vốn FDI, xây dựng dự án, chào bán diễn ra sôi động thổi luồng gió mới vào thị trường, củng cố thêm đà hồi phục.
Bên cạnh cơ hội, ông Tuấn thừa nhận bất động sản cũng đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Đầu tiên là lãi suất có thể tăng lên trong vòng 12 tháng tới, ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng đầu tư, mua nhà.
Kế đến là sự lệch pha ngày càng lớn giữa các phân khúc nhà ở. Khi thị trường suy thoái: nhà vừa túi tiền tăng mạnh và dẫn dắt thị trường. Đến giai đoạn phục hồi phân khúc nhà ở cao cấp dần chiếm thế thượng phong. Hiện nay nhà ở cao cấp tung ra thị trường nhiều hơn nhà ở giá vừa túi tiền, nếu vẫn tiếp tục đà này có thể dẫn đến cung sản phẩm cao cấp vượt cầu. Điều này có thể khiến cho chu kỳ phục hồi và tăng tốc bị rút ngắn lại.
Ngoài ra, thị trường đầu tư bất động sản cho thuê bùng nổ quá nhanh cũng là điều đáng lo ngại. Ước tính lượng căn hộ được bàn giao vào năm 2016 lên đến 13.000 căn và có thể tiếp tục tăng mạnh vào năm 2017. Như vậy, trong 2 năm tới nguồn cung thực tế cạnh tranh với thị trường nhà cho thuê hiện hữu tại quận 2, 7 sẽ tăng mạnh. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến giá thuê các loại hình bất động sản tiêu dùng trong 1-2 năm tới.
Chuyên gia này kết luận, ngoài những yếu tố tạo nên thời cơ và thách thức cho bất động sản, nền kinh tế vĩ mô có tác động cực lớn đến thị trường này. Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt, bất động sản sẽ được hưởng lợi rất lớn. Thị trường hiện nay mới phục hồi từ đáy lên, mức tăng khoảng 13%, bong bóng bất động sản chỉ xảy ra khi bắt đầu xuất hiện mức giá không tưởng (tăng cao ngất ngưỡng). "Do đó, thị trường vẫn tăng trưởng trong vòng kiểm soát", ông nói.
Các tin liên quan
- Chuyên gia dự đoán thời điểm thị trường bất động sản hồi phục Ngày đăng: 20/12/22
- TP.HCM kiến nghị nhiều chính sách về đất đai Ngày đăng: 20/10/22
- Đất ở TP HCM được bồi thường tối đa gấp 15 lần giá nhà nước ( HOT ) Ngày đăng: 19/08/22
- Những chính sách có hiệu lực trong tháng 8/2022 người sắp mua nhà, xây nhà cần biết Ngày đăng: 08/08/22